ĐỒ SỨ TẾ TỰ HIỆU ĐỀ KHÁNH XUÂN THỊ TẢ VÀ NỘI PHỦ THỊ HỮU
Philippe Truong
Trong cuốn sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phạm Huy Chú cho biết: “Theo chế độ cũ, Chính cung miếu thờ các vị chúa từ Thế Tổ [Trịnh Kiểm] trở xuống, Hữu cung miếu thờ hai vị Lương Mục vương [Trịnh Vĩnh] và Tấn Quang vương [Trịnh Bính]. Năm Nhâm dần đời Cảnh Hưng [1782] Tĩnh vương [Trịnh Sâm] đổi tên Chính cung miếu gọi là Thái miếu, truy tôn hiệu cho hai vương, rước vào thờ chung ca ở Thái miếu vào hàng chiêu, hàng mục”.1
Sách Đại Việt sử ký tục biên cũng chép rằng: Năm 1711, An Đô vương Trịnh Cương tụ họp các quan chức lại để thảo luận về việc thờ phụng ông nội của mình là Lương Mục công Trịnh Vĩnh và cha của mình là Tấn Quang vương Trịnh Bính2 tại Chính cung miếu. Có một vài người không tán thành ý kiến này nên đề nghị xây dựng một miếu khác trong phủ chúa. Nguyễn Quý Đức gợi ý rằng “Việc thờ phụng hai nhân vật thuộc nhánh trưởng của họ Trịnh này cần phải được đặt tại chính cung của đền Đông”.Trịnh Cương theo lời khuyên này và tấn phong ông và cha của mình lên tước Lương Mục vương và Ấn Quang vương. Đến năm 1782, chúa Trịnh Sâm mới cho dời hai bàn thờ này vào Chính cung miếu, đổi tên miếu này là Thái miếu, như tên gọi miếu thời các vua.
Theo nghi lễ quy định trong Kinh Lễ, trong Thái miếu thờ liệt đế, chỉ được thiết bài vị của 5 đời vua mà thôi. Vì vậy, trong Chính cung miếu thì chỉ Trịnh Kiểm được thờ như Thái tổ và Bình An vương Trịnh Tùng được thờ với tư cách là vị chúa đầu tiên. Các bài vị của các 14 vị khác, từ đời Tuy Đạo vương đến đời chúa Trịnh Sâm, cần phải dẹp đi dần dần.
Khi chúa Trịnh Sâm cho đổi tên Chính cung miếu thành Thái miếu, đã cho lập miếu thờ riêng của các vị tiên tổ khác là: Diễn Khánh công Trịnh Lan và Dục Đức công Trịnh Lân, là ông nội và cha của Trịnh Kiểm, ở phía trên toà kim thất thứ nhất. Với các nghi thức thờ cúng này, rõ ràng Trịnh Sâm đã tiếm dụng nghi vệ, tự coi mình ngang hàng với vua Lê.
Hàng năm, vào ngày kỵ, Thái miếu đều cử hành lễ cáo tế. Các lễ cúng này được tổ chức rất huy hoàng, gồm khoảng ba chục mâm cỗ cúng, với hai trăm món ăn, một con heo lớn, một con trâu và năm con bò. Các đồ cúng này vượt xa về số lượng cũng như về chất lượng so với cỗ cúng tại miếu thờ các vua Lê. Phạm Đình Hổ, người đã tham dự một buổi lễ tại Thái miếu, đã than vãn trong cuốn Vũ trung tùy bút rằng: “Lễ trong nội điện thì cứ lệ năm trăm xã phải cúng ứng. Nhưng xã ấy phần nhiều là nơi đất xấu, dân nghèo. Nhiều xã thiếu tiền cung ứng, không đủ nhu dụng về lễ phẩm, cho nên những ngày giỗ lễ nhà Thái miếu và điện Chí Kinh, thì bò lợn gầy nhỏ, cỗ bánh sơ sài, bánh đường thì chỉ dùng nước quả dành tẩm vào cho vàng, nước mật thì thay bằng nước chè tươi, nên chỉ có màu sắc vàng mà không có vị ngọt gì cả. Ta khi nhỏ có đi qua nhà Thái miếu, gặp ngày giỗ liệt thánh nhà Lê, thấy một tên lính gánh nổi hai con trâu, hoặc một người gánh nổi bốn mâm xôi”.4
1. Chính cung miếu và đồ sứ Khánh xuân thị tả đời Trịnh Sâm
Trịnh Sâm được cho là người đã đặt làm các món đồ sứ tế tự hiệu đề Khánh xuân thị tả này. Có rất nhiều cách giải thích ý nghĩa của hiệu đề này:
- Loan de Fontbrune dịch Khánh xuân là “mừng xuân”hay “cung điện của mùa xuân vĩnh cửu”. Nhưng tại Thăng Long không hề có cung điện nào mang tên này, trong cung vua cũng như trong phủ chúa.
- Trần Đình Sơn đề nghị xếp các đồ sứ này là đồ đặt làm nhân dịp lễ Khánh Thọ của vua Lê, tổ chức tại điện Cần Chính để đón mừng mùa xuân. Đề nghị này dựa vào hai chữ Khánh - Thọ viết trên món đồ. Vậy thì các món đồ sứ hiệu đề Nội phủ thị hữu cũng có viết hai chữ Khánh - Thọ thì sẽ hàm ý gì?
- Trần Đức Anh Sơn dẫn lời Vương Hồng Sển, cho rằng sau khi gửi sứ bộ sang Trung Hoa vào năm 1777 để cầu phong cho chúa Trịnh làm vua nhưng thất bại, để tiếp tục nhận được các ân huệ của vua Lê Hiển Tông, chúa Trịnh Sâm dâng các đồ Nội phủ thị... cho vua và đặt làm đồ sứ mang hiệu đề Khánh xuân thị tả cho mình. Nhưng không có tài liệu nào chứng minh cho sự hạ mình này của chúa Trịnh. Ngược lại, vua Lê Hiển Tông lúc nào cũng được mô tả là người chịu ơn chúa Trịnh Sâm đã đảm nhận giúp nhiệm vụ trị vì. Thậm chí khi xảy ra xung đột giữa hai anh em Trịnh Khải và Trịnh Tráng, nhà vua đã không nghe những lời khuyên của cận thần là tranh thủ thời cơ này để nổi dậy giành lại quyền hành, mà lại còn dọa là sẽ tố cáo họ với chúa Trịnh. Thêm vào đó, sứ bộ rời Thăng Long để đi Bắc Kinh là vào năm 1783, tức là một năm sau khi Trịnh Sâm mất.
- Ngoài ra, còn có hai ý kiến khác cho rằng đồ sứ Khánh xuân thị tả là dòng đồ sứ tế tự được làm vào đời Trịnh Sâm. Ý kiến thứ nhất xuất phát từ nguyên tắc là lễ Điện Thọ được tổ chức để mừng sinh nhật các chúa, và vì Trịnh Sâm sinh vào ngày 9 tháng 2 năm Kỷ mùi (1739) tức là vào mùa xuân, nên đồ sứ Khánh xuân thị tả là đồ sứ được ký kiểu để ghi nhớ sự kiện này. Ý kiến thứ nhì do Phạm Hy Tùng đề xuất, cho rằng đồ sứ Khánh xuân thị tả được dùng tại Tả điện trong cuộc lễ mừng xuân, để tưởng nhớ tổ tiên và xin trời đất ban phúc cho dòng họ Trịnh.
Theo tôi thì đồ sứ Khánh xuân thị tả là đồ tế tự trong Chính cung miếu. Từ tả dùng trong hiệu đề để nhấn mạnh sự quan trọng của dòng đồ này so với dòng đồ sứ có các hiệu đề Nội phủ thị… Và Khánh xuân là một từ ẩn dụ để chỉ sự tôn kính của chúa Trịnh đối với tổ tiên của mình.
Về mặt mỹ thuật và kỹ thuật, đồ sứ Khánh xuân thị tả được thực hiện tỉ mỉ hơn các đồ sứ Nội phủ thị… Cốt sứ mỏng, lớp men phủ trong và bóng, trang trí tỉ mỉ, tinh tế và chính xác.
Ngoại trừ một chiếc đĩa vẽ đồ án “cá hóa rồng” (ảnh 1), thì lối trang trí duy nhất được sử dụng để tô điểm cho dòng đồ Khánh xuân thị tả là đồ án “long lân khánh thọ”. Đồ án này gồm hai chữ Khánh - Thọ được viết theo lối chữ triện trong hình tròn (ảnh 2a) như một lời cầu chúc, cùng với hình con rồng có năm móng xòe ra, hai sừng, bộ râu quặp và hình con lân có một sừng hoặc hai sừng, trên thân có hình ngọn lửa, với các nét đặc trưng của đồ sứ ký kiểu đời Trịnh Sâm.
 
Ảnh 1

Ảnh 2a

2. Đồ sứ Khánh xuân thị tả và đồ sứ Nội phủ thị hữu đời Trịnh Sâm
2.1. Đồ sứ Khánh xuân thị tả ký kiểu thời kỳ đầu
Hình vẽ một con rồng trên cao nhìn một con rồng đang biến hóa từ một con cá ở dưới biển (hình 40) trên chiếc đĩa hiệu đề Khánh xuân thị tả6 thuộc sưu tập Phạm Hy Tùng là hình vẽ rất đặc biệt. Con rồng ở dưới biển thực chất là con cá chép, như bốn con cá chép được vẽ ở mặt ngoài chiếc đĩa, ở giai đoạn cuối cùng của sự biến hóa. Đồ án “cá hóa rồng” này thường sử dụng trong văn hóa Hán - Việt. Các nhà nho lựa chọn biểu tượng này như một lời chúc thành công trong thi cử và thăng tiến trong quan lộ.
Trên một chiếc đĩa Khánh xuân thị tả khác vẽ con rồng với cặp cánh, gọi là feiyu (phi ngư), xuất hiện trong văn hóa Trung Quốc vào cuối thế kỷ XV dưới thời nhà Minh (1368 - 1644). Chúa Trịnh đã chọn đồ án này để phân biệt với hình ảnh cá hóa rồng thông thường. Những món đồ sứ Khánh xuân thị tả với lối trang trí này mang tính biểu tượng rất cao, hoàn toàn khác biệt với đồ án “long lân khánh thọ”, và chỉ để sử dụng trong Thái miếu. Miếu này dùng để thờ cúng các vị tổ Diễn Khánh công Trịnh Lan và Dục Đức công Trịnh Lân của họ Trịnh. Hai vị này không được phong tước vương nên không được biểu thị bằng con rồng năm móng. Còn con rồng hai cánh thì tượng trưng cho chúa Trịnh Sâm.
Với những món đồ dùng trong Chính cung miếu, chúa Trịnh Sâm đặt làm những món đồ sứ Khánh xuân thị tả với một kiểu trang trí duy nhất là “long lân khánh thọ”: con lân đứng trên ngọn sóng, quay đầu nhìn con rồng năm móng đang bay trên trời, ở giữa là hình chữ Khánh, viết phía trên chữ Thọ, đều là kiểu chữ triện tròn. Trang trí này cũng mang ý nghĩa biểu trưng cao: chúa Trịnh Sâm không thể cho vẽ hình hai con rồng như trên những món đồ sứ hiệu đề Nội phủ thị trung, mà do phận làm con nên ông chỉ có thể chọn con kỳ lân để tượng trưng cho mình. Lân kết hợp với sóng nước có ý nghĩa một người cầm quyền thận trọng và hòa thuận. Các tiên tổ của chúa (hình rồng năm móng bay trên cao) là biểu tượng của tôn kính, sự bất tử (chữ Thọ) và là nguồn ban tặng hạnh phúc (chữKhánh) cho con cháu. Để nhấn mạnh ý nghĩa này, con rồng được thể hiện với hình tượng đang nắm một cụm mây để ban tặng cho con lân. Mây biểu tượng của điềm lành và phong phú. Vả lại hình mây ở đây vẽ theo kiểu “như ý”, là một lối chơi chữ đồng âm hàm nghĩa “khánh thọ như ý”.
Trang trí này cũng xuất hiện trên chiếc đĩa thuộc sưu tập Hồ Đình7 (ảnh 3) và trên một chiếc đĩa khác thuộc sưu tập Vương Hồng Sển8 (ảnh 4) trước đây với vài biến đổi. Theo motif rồng đời chúa Trịnh Sâm, các sợi râu của con rồng và con lân trên hai chiếc đĩa này tạo thành những dấu ngoặc đăng đối nhau một cách hoàn hảo và được cách hình tròn một quãng bằng nhau. Bố cục khá đơn giản, chỉ có một ít đám mây và sóng nước. Con rồng trên cả hai đĩa này đều nắm một cụm mây.

Ảnh 3

Ảnh 4

 
Riêng trên chiếc đĩa khác9 (ảnh 5), cũng thuộc sưu tập Hồ Đình thì con rồng cầm hạt châu. Theo truyền thuyết Trung Hoa, hạt châu ngụ ý sấm sét và con rồng khi nghe tiếng sấm thì bay lên trời để gặp mây và gây ra mưa. So với hai chiếc đĩa nêu trên thì hình trang trí như trên đĩa này là rất hiếm. Chúa Trịnh không đặt làm nhiều đĩa vẽ như vậy vì loại đĩa này dành cho Hữu cung miếu hoặc Đông miếu, là nơi thờ Trịnh Vĩnh và Trịnh Bính, trước khi di dời bàn thờ các vị này sang Thái miếu vào năm 1782. Hai vị này không được phong tước vương nên không thể ban ân huệ (mây/mưa) mà chỉ báo hiệu điềm mây mưa sẽ đến qua hình tượng hạt châu.
Trên một chiếc đĩa có kích thức lớn thuộc sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh10 chỉ vẽ duy nhất một con rồng trải mình trên những đám mây ở phía sau hai chữ Khánh - Thọ (ảnh 6) với nét vẽ rất tỉ mỉ.

Ảnh 5

Ảnh 6

 
2.2. Đồ sứ Khánh xuân thị tả ký kiểu thời kỳ thứ nhì
Trong đợt ký kiểu thứ nhì này, các chữ Khánh - Thọ được viết một kiểu đơn giản hơn (ảnh 2b) và đôi khi, con kỳ lân chỉ được vẽ với một sừng duy nhất như hình trên chiếc đĩa (ảnh 7). Các đồ án trang trí trên đồ sứ Khánh xuân thị tả thời kỳ này khá rườm rà. Hai chữKhánh - Thọ không còn nổi rõ trên nền men trắng mà hòa vào trong đồ án trang trí. Các chữ này được bố trí ở giữa một cụm mây và chân rồng như trên chiếc đĩa trong sưu tập Phạm Hy Tùng11 (ảnh 8) hoặc trên chiếc đĩa nguyên thuộc sưu tập Hồ Đình12 (ảnh 9).

Ảnh 2b

Ảnh 7

Ảnh 8

Ảnh 9

 
Trên một chiếc bát Khánh xuân thị tả khác13, hai chữ Khánh - Thọ được viết tách rời trong hai vòng tròn, ở giữa một con rồng và một con lân (ảnh 10). Còn trên chiếc tô lớn của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh14 có vẽ hình một con rồng một con lân và một con long mã chầu hai chữ Khánh - Thọ (ảnh 11). Con kỳ lân đứng phía trước có hai sừng, còn con đứng sau chính là con long mã, lưng mang Hà Đồ. Theo Vương Hông Sển thì con lân và con long mã này này biểu trưng cho hai con trai của chúa Trịnh Sâm là Trịnh Khải và Trịnh Cán. Theo tôi, đồ án này biểu tượng cho lời cầu chúc một sự cai trị bình yên và thịnh vượng (kỳ lân đứng trên ngọn sóng), thuận theo ý trời (long mã).

Ảnh 10

Ảnh 11

 
3. Đồ sứ tế tự hiệu đề Nội phủ thị hữu đời Trịnh Sâm
Phan Huy Chú cũng ghi trong sách Lịch triều hiến chương loại chí rằng: “Hữu cung miếu thờ hai vị Lương Mục vương [Trịnh Vĩnh] và Tấn Quang vương [Trịnh Bính]. Hai vị này là ông nội và cha của chúa Trịnh Cương, vì không phải là vương nên không được thờ trong Chính cung miếu. Do đó, chúa phải cho xây Hữu cung miếu để thời hai vị này. Tuy nhiên, vị trí của Hữu cung miếu đến nay vẫn chưa được xác định.
Có thể đền thờ này được xây trong hậu cung, cũng như trong Đại Nội Huế có điện Phụng Tiên thờ vua Gia Long và các vua kế vị của họ Nguyễn, dành riêng cho các bà đến cúng bái. Nếu không, thì có thể ở trong hậu cung chúa Trịnh, cũng có một miếu dành cho các bà đến tế lễ nhưng tên ngôi miếu này chưa được biết đến. Bằng chứng về sự tồn tại của miếu thờ này được xác nhận nhờ sự hiện diện của dòng đồ sứ mang hiệu đề Nội phủ thị hữu, với lối trang trí “long phụng khánh thọ”riêng, không giống với các motif “long phụng khánh thọ”trên đồ sứ Khánh xuân thị tả. Vậy thì, đồ sứ Nội phủ thị hữu vẽ đồ án “long phụng khánh thọ”cũng có thể là đồ tế tự ở trong hậu cung phủ Trịnh.
Trên một chiếc đĩa Nội phủ thị hữu có vẽ hình con rồng năm móng cầm một chữ Thọ viết theo lối triện tròn (ảnh 12). Chữ Thọ này có thể xem như món quà mà con phượng vừa biếu. Phía sau đầu con rồng có một chữ Khánh và giữa hai con linh vật có một hạt châu. Trang trí ngụ ý: nhờ sự thờ cúng của các bà phi (con phượng) mà các chúa Trịnh (con rồng) được lưu danh muôn thuở (chữ Thọ) và sẵn sàng ban cấp hạnh phúc (chữ Khánh) cho con cháu.
Kiểu trang trí này đã được sao chép trên đồ sứ ký kiểu thời chúa Nguyễn, với những chiếc đĩa vẽ hình con rồng có một chiếc sừng duy nhứt vẽ phía sau trán (ảnh 13). Rồng một sừng không xuất hiện trong văn hóa Hán - Việt và thật khó để nghĩ rằng một họa sĩ người Việt hay một người thợ gốm tại Trung Hoa lại có thể làm nên một con rồng có lỗi sai nghiêm trọng như thế.

Ảnh 12

Ảnh 13

 
Trên một chiếc tách trà15 thuộc sưu tập Hồ Đình trước đây có vẽ một con phượng ngậm chữ Thọ và đang bay về phía con rồng (ảnh 14). Chữ Thọ được viết tương tự chữ Thọ trên một chiếc đĩa Nội phủ thị hữu khác (ảnh 12). Trong khi đó, trên một chiếc bát16 cũng thuộc sưu tập Hồ Đình, với một motif trang trí tương tự nhưng bộ râu của con rồng lại cuốn xoăn lại (ảnh 15). Kiểu râu này chưa bao giờ xuất hiện trên đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh. Vì thế, tôi cho rằng chiếc bát này là đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, dù hiệu đề của nó làNội phủ thị hữu.

Ảnh 14

Ảnh 15

 
Một biến thể khác của lối trang trí này cũng xuất hiện trên chiếc bát17 thuộc sưu tập Phạm Hy Tùng, với hình ảnh chim phụng ngậm chữ Thọ (ảnh 16), viết rất đơn giản hóa. Kiểu viết này cũng không được sử dụng trên đồ sứ ký kiểu thời chúa Trịnh mà chủ xuất hiện trên đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn.
Ảnh 16
Chú thích
1 Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Lễ nghi chí), Tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1992, tr. 46.
2 Khi con trưởng của Trịnh Căn là Trịnh Vinh chết, em của ông này là Trịnh Bách được phong thế tử. Ông này chết năm 1884, Trịnh Căn lại phong cho con trưởng của Trịnh Vinh là Bính là thế tử. Sau khi Trịnh Bính qua đời thì con của ông là Trịnh Cương được phong thế tử.
3 Đại Việt sử ký tục biên, Nxb KHXH, Hà Nội, tr. 64.
4 Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, Nxb Văn nghệ TPHCM, 1998, tr. 202.
5 Trần Đức Anh Sơn dịch chữ Khánh xuân là “mừng xuân” còn Thomas Ulbrich thì dịch là “Spring blessing” hay “Welcoming the spring”.
6 Đĩa Khánh xuân thị tả. Sưu tập Phạm Hy Tùng (TPHCM).
7 Đĩa Khánh xuân thị tả. Nguyên thuộc sưu tập Hồ Đình (Pháp). In trong catalogue Drouot (Paris), étude Loudmer, 12.12.1996, ảnh số 14.
Đĩa Khánh xuân thị tả. Nguyên thuộc sưu tập Vương Hồng Sển (TPHCM).
9 Đĩa Khánh xuân thị tả. Nguyên thuộc sưu tập Hồ Đình (Pháp). In trong catalogue Drouot, Paris, étude Loudmer, 12.12.1996, ảnh 13. Hai đĩa tương tự cũng có trong sưu tập Vương Hồng Sển trước đây và trong sưu tập của hoàng tử Bảo Long. In trong catalogue Drouot (Paris), étude Blanchet & Joron-Derem, 04.04.1977, ảnh số 84.
10 Đĩa Khánh xuân thị tả. Nguyên thuộc sưu tập Vương Hồng Sển (TPHCM), nay thuộc sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM.
11 Đĩa Khánh xuân thị tả. Sưu tập Phạm Hy Tùng (TPHCM).
12 Đĩa Khánh xuân thị tả. Nguyên thuộc sưu tập Hồ Đình (Pháp). In trong catalogue Drouot (Paris), étude Loudmer, 12.12.1996, ảnh số 12.
13 Bát Khánh xuân thị tả. Sưu tập Phạm Hy Tùng (TPHCM).
14 Bát Khánh xuân thị tả. Nguyên thuộc sưu tập Vương Hồng Sển (TPHCM), nay thuộc sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TPHCM.
15 Tách trà Khánh xuân thị tả. Nguyên thuộc sưu tập Hồ Đình (Pháp). In trong catalogue Drouot (Paris), étude Loudmer, 12.12.1996, ảnh số 4.
16 Bát Nội phủ thị hữu. Nguyên thuộc sưu tập Hồ Đình (Pháp). In trong catalogue Drouot (Paris), étude Loudmer, 12.12.1996, ảnh số 7.
17 Bát Nội phủ thị hữu. Sưu tập Phạm Hy Tùng (TPHCM).