HÌNH RỒNG TRANG TRÍ TRÊN GỐM CỔ BÁT TRÀNG

Nguyễn Đình Chiến


Trang trí trên đồ gốm Bát Tràng đã xuất hiện nhiều đề tài khác nhau: Rồng, phượng, ngựa, hổ phù, hoạt cảnh người, cánh sen đứng và mây cụm, hoa cúc dây, dải lá đề và cánh sen, phong cảnh sơn thuỷ... Bên cạnh đó còn nhiều loại khác như chữ V lồng, hoa 4 cánh, hoa cúc hình ôvan, răng cưa, sóng nước, hồi văn, chữ “vạn”, “phúc”,... Khảo sát qua những đồ gốm thuộc sưu tập gốm cổ Bát Tràng tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chúng tôi có một số nhận xét như sau:

Thế kỷ 16:

    Rồng là đề tài phổ biến trang trí trên nhiều loại hình sản phẩm. Đặc biệt trên loại chân đèn và lư hương, rồng được thể hiện theo 2 hình thức: đắp nổi để mộc giống như trên đồ gốm thời Nguyên (Trung Quốc) hay vẽ lam. Nhiều chân đèn và lư hương có minh văn cho biết rõ tác giả và thời gian chế tạo. Do vậy, chúng tôi có thể sắp xếp một hệ thống những đồ án rồng theo trình tự thời gian. Dù hình rồng vẽ lam hay đắp nổi đều rất giống nhau. Hình rồng không chỉ thấy trên chân đèn, lư hương mà còn thấy vẽ trên bình, bát. Rồng nổi còn thấy trên tai chân đèn do tác giả Đỗ Xuân Vi chế tạo năm 1590, rồng có đôi cánh mọc ra từ chân trước, cong như cánh bướm tương tự rồng có cánh trên chân đèn và lư hương của tác giả Đặng Huyền Thông.
 

Lư hương do Đỗ Xuân Vi chế tạo ngày 20-8 Lịch Trăng, 1590.

 
 

Chân đèn TK 16

Chân đèn do Đỗ Xuân Vi chế tạo ngày 20-8 Lịch Trăng, 1590.

Chân đèn do Nguyễn Phong Lai và Hoàng Ngưu chế tạo năm 1580.

 

Thế kỷ 17:

    Rồng là đề tài xuất hiện nhiều trong các loại hình chân đèn, chân nến, lư hương, bình và mô hình nhà,...

    Rồng trên các chân đèn hoa lam, chế tạo năm 1602, 1612, 1618 và 1622, vẫn giữ nhiều nét tương đồng với rồng chân đèn cuối thế kỷ 16. Hình rồng yên ngựa trên chân đèn, chế tạo năm 1677 là mốc cuối cùng ở thế kỷ 17.

    Rồng chân đèn gốm men rạn chế tạo khoảng năm 1600- 18, với 4 khúc uốn không đều nhau, mở ra một kiểu riêng mới khác lạ. Rồng bố cục theo chiều ngang, dáng rồng ngắn, thân uốn hình cánh cung, tay trước nắm râu. Rồng chạm nổi trong hình khánh hay thấu kính, chế tạo năm 1625. Các mẫu rồng này thân tròn nhỏ đều có những dải mây lửa theo kiểu đao mác. Nửa sau thế kỷ 17, xuất hiện dáng rồng gần gũi với rồng điêu khắc trên gỗ. Đuôi rồng từ bên trái trườn qua bên phải, đầu quay vào giữa. Mặt rồng tả chính diện, tay rước nắm râu. Xung quanh rồng có nhiều dải mây nổi vẽ lam. Đáng chú ý là rồng trên lư hương chế tạo năm 1671; lư hương chế tạo năm 1688.

    Rồng nổi, đuôi vút lên trên, hai chân trước chống, đầu uốn lên, bố cục trong hình chữ nhật, thấy trên các mặt chân đèn vuông đế nghê, mô hình nhà, long đình, tương tự hình rồng trên cột đá Tứ Kỳ, chạm khắc vào năm 1666. Rồng ẩn mây xuất hiện trên loại hũ cao vẽ lam, đầu có bờm ngắn, không sừng, gần như đầu gà. Rổng nổi để mộc, đặt trong lá đề còn thấy trên lư hương chân đèn, chế tạo năm 1677.

    Bộ tứ linh Long- Ly- Qui- Phượng xuất hiện trên chân đèn gốm men rạn của tác giả Đỗ Phủ người xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, chế tạo vào năm 1600- 18. Các hình này chạm nổi trong bông hoa tròn. Đáng chú ý hình rùa chở hòm sách có gài thanh gươm, xuất hiện lần đầu tiên.
 

Lư hương chế tạo năm 1671

Đôi chân đèn do Đỗ Phủ chế tạo năm 1600 - 1618.

 

Thế kỷ 18:

    Rồng có thân dài đắp nổi theo dạng phù điêu, đầu nghiêng, hai mắt lồi, sừng và râu cong, bờm gáy dầy, vây cá nhọn, vẩy rắn. Xung quanh rồng có những dải mây nổi hình 3 ngọn lửa.

    Rồng ổ xuất hiện, một rồng mẹ và sáu rồng con, xen kẽ các dải mây hình khánh. Kiểu dáng và kích thước các dải mây cho biết nó được làm rời từ một khuôn in sau đó dán ghép trang trí. Rồng nhỏ và dải mây hình khánh cũng thấy trên bình hình con voi. Rồng bầy, chạm nổi xung quanh choé men rạn, chế tạo vào năm 1740- 1786. Rồng ẩn mây, chạm nổi trong hình ô van ở thành ngoài lư hương, chế tạo năm 1740- 1786.

     Rồng đắp nổi, để mộc, trên lư hương tròn, chế tạo năm 1705- 1719, có thân tròn, đầu ngắn. Rồng chạm nổi, để mộc, trên loại bao kiếm thờ.

     Rồng đắp nổi, chỉ thể hiện đầu rồng chính diện, 2 chân trước dang rộng, lỗ mũi hẹp, mắt lồi, miệng ngậm vòng tròn hay chữ: “Thọ” kiểu triện. Chẳng hạn, trên chiếc đỉnh chế tạo năm 1736, lư hương tạo năm 1740- 1786.

     Bộ tứ linh xuất hiện trên cặp chân đèn gốm men rạn thế kỷ 18. Bộ tứ linh thể hiện trong 4 ô hình chữ nhật, 2 cạnh chiều rộng uốn cong. Các hình long- ly- qui- phượng đều diễn tả ở tư thế động, tuy trong diện tích hẹp mà vẫn rất hài hoà.
 
     Rồng chạm theo lối phù điêu, lộ đầu nghiêng, 2 mắt lồi, 2 sừng cong, đuôi có 5 tia nổi, quanh rồng có nhiều dải mây.
 

Đỉnh chế tạo năm 1736.

 

Thế kỷ 19:

    Bộ tứ linh Long - Ly - Qui - Phượng, trang trí khắc chìm trong 4 ô hình chữ nhật có đường diềm “nền gấm chữ vạn”, mây hoa và chữ “Thọ” trên loại đài gốm men trắng ngà.

    Rồng còn thể hiện vẽ lam trên loại hình nậm rượu, bình vôi. Rồng thể hiện theo phong cách phù điêu trên nậm rượu 2 bầu, hình rồng để mộc; bình men rạn vẽ nhiều mầu; nậm rượu men vàng.

    Rồng thể hiện theo phong cách tượng tròn, như tượng rồng trang trí kiến trúc, với thân ngắn, tròn, đầu rồng có miệng rỗng, mũi cao, vây cá, vẩy tròn. Rồng nổi, trên nắp và quai của đỉnh gốm vẽ lam và đỉnh gốm nhiều mầu. Ngoài ra, còn có đầu rồng với mặt nhìn chính diện, hai chân trước xoè ngang nắm 2 dải mây, miệng ngậm vòng tròn.

    Như vậy, hình rồng trang trí trên gốm cổ Bát Tràng đã được thể hiện với nhiều bố cục khác nhau mà vẫn mang dấu ấn thời đại. Nhiều hình rồng đã xuất hiện trên đồ Ngự dụng, chẳng những phản ánh giá trị lịch sử nghệ thuật tiêu biểu mà còn là những mẫu hình đáng tin cậy cho việc nghiên cứu so sánh giám định các cổ vật gốm Bát Tràng khác chưa rõ niên đại.