HOẠT ĐỘNG TRIỂN LÃM CỦA HỘI CỔ VẬT THĂNG LONG - HÀ NỘI
Đào Phan Long
Kể từ ngày thành lập năm 1999 đến nay, Hội nghiên cứu, sưu tầm Gốm và Cổ vật Thăng Long - Hà Nội (gọi tắt là Hội Cổ vật Thăng Long) đã tổ chức 8 cuộc Triển Lãm cổ vật của hội viên. Mở đầu hoạt động này là lần đầu tiên ở Việt Nam Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nôi đã được phép của cơ quan quản lý văn hóa cho phép công khai tổ chức một cuộc trưng bầy cổ vật tư nhân tại Nhà xuất bản ngoại văn (phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội) vào cuối năm 1999 để mở ra thời kỳ người Việt Nam được chơi cổ vật công khai theo chủ trương xã hội hóa của nhà nước. Thế là vào những năm sau, nhân những ngày lễ kỷ niệm giải phóng Thủ đô, quốc khánh…, Hội đã phối hợp với các cơ quan văn hóa tổ chức các cuộc Triển lãm cổ vật của hội viên tại các Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, khu văn hóa Vân Hồ, nhà trưng bầy Tràng Tiền và lần này tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Trong nhiệm kỳ IV (2000 – 2015), nhân dịp Chính phủ quyết định sáp nhập hai Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách Mạng Việt Nam để hình thành Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hội Cổ vật Thăng Long đã thống nhất với Ban lãnh đạo Bảo tàng cùng phối hợp tổ chức Triển lãm CỔ VẬT VIỆT NAM tại Bảo tàng, khai mạc 25-7-2012. Triển lãm kéo dài một tháng.
Triển lãm Gốm và Cổ vật lần thứ nhất (10/1999)
Tóm tắt giới thiệu Triển lãm Cổ vật Việt Nam 7-2012 của Bảo tàng Lich sử quốc gia như sau: “Những năm gần đây, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tàng theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa ngày càng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng trong việc sưu tầm và phát huy các sưu tập cổ vật có giá trị. Nhiều hội sưu tầm cổ vật được thành lập ở các tỉnh thành trong nước không chỉ mở ra sân chơi hợp pháp cho các nhà sưu tập mà còn tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.
Nhằm thúc đẩy sự phát triển của phong trào xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp cùng Hội cổ vật Thăng Long - Hà Nội với các nhà sưu tập tâm huyết tổ chức trưng bày chuyên đề Cổ vật Việt Nam. Với hơn 50 hiện vật tiêu biểu, chọn lọc bao gồm nhiều loại hình, chất liệu khác nhau, có niên đại từ văn hóa Đông Sơn tới thời Nguyễn, trưng bày chuyên đề sẽ giới thiệu tới khách tham quan những nét tinh hoa cùng giá trị lịch sử, văn hóa của cổ vật Việt Nam.”
Thiết nghĩ chính nhờ có những Triển lãm cổ vật nêu trên của hội viên Hội Cổ vật Thăng Long đã góp phần khẳng định chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa của Đảng và Nhà nước ta rất kịp thời khi đất nước thực hiện sâu rộng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Có thể thấy hoạt động trưng bầy giới thiệu cổ vật của Hôi đã có tác động nhất định, đó là:
- Giúp thêm kiến thức và ý thức bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể cho cộng đồng cũng như để các nhà nghiên cứu, bảo tàng, nhà báo… có điều kiện bổ sung, nâng cao kiến thức thực tế, có thêm tư liệu phong phú để viết bài và xuất bản sách giới thiệu Cổ vật Việt Nam.
- Giúp quảng bá những giá trị kỹ, mỹ thuật, kinh tế… thể hiện trên các Cổ vật Việt nhằm khích lệ nhiều tầng lớp nhân dân ở thủ đô Hà Nội nói riêng và trên nhiều vùng miền tổ quốc nói chung trở nên yêu thích, rồi đam mê sưu tầm, lưu giữ được những cổ vật mang dấu ấn văn hóa Việt ngàn đời cho đất nước.
- Giúp hình thành một số nhà sưu tập cổ vật có tâm huyết mà thời trước ở nước ta rất hiếm có.
- Góp phần từng bước tạo dòng chẩy cổ vật Việt có giá trị đã lưu vong ở nước ngoài quay về cố quốc theo quy luật giá trị và thị trường.