HỌC CHƠI CỔ VẬT CHĂMPA
Đào Phan Long
Chơi cổ vật cần hiểu về Lịch Sử nơi sản sinh ra chúng mới thấy thú vị và đam mê. Lịch sử hình thành nước Việt Nam ngày nay được các nhà sử học trong, ngoài nước ghi lại qua nhiều đời và tồn tại khách quan không che dấu được.
Tôi hiểu đất nước ta được trở thành một Vương triều có chủ quyền cai quản vùng đất Bắc bộ Việt Nam ngày nay trước thiên triều phương Bắc được tính từ thế kỷ 10 khi có sự ra đời của nhà Đinh năm 970. Sau khi hoàn thành dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh xưng Vua là Đinh Tiên Hoàng Đế, lấy niên hiệu Thái Bình, định đô tại Hoa Lư, Ninh Bình. Họa ngàn năm Bắc thuộc đã được khắc sâu trong tâm trí quân dân Việt trong nhiều thế hệ. Dấu ấn hiện nay trên cổng ngôi đền thờ Vua Đinh ở Hoa Lư, Ninh Bình có làm 4 chữ BẮC MÔN TỎA THƯỢC (Đóng Chặt Cửa Bắc) của vua Đinh để dặn lại cháu con phải luôn đề phòng họa mất nước với người phương Bắc.
Thế rồi 10 thế kỷ tiếp sau lời dặn phòng họa xâm lăng của người phương Bắc đã không sai khi các triều đại phong kiến Đại Việt kể từ Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ, Lê- Mạc-Trịnh-Nguyễn, Tây Sơn, Nguyễn đã phải liên tục huy động sức dân chống giặc ngoại xâm Trung Hoa phương Bắc. Đồng thời Đại Việt còn phải nhiều lần chống giặc Chiêm Thành phương Nam, đây là vương triều mặc dầu yếu hơn nhưng đã vài lần kéo quân quấy phá vùng biên viễn phương Nam của Đại Việt, rồi chúng còn tràn vào đốt phá Kinh thành Thăng Long. Không còn cách nào khác để sinh tồn trước họa ngoại xâm, các nhà nước phong kiến Đại Việt xưa đã phải tiến quân mở rộng lãnh thổ và di dân xuống định cư sinh sống ở vùng đất phương Nam của các vương quốc nhỏ hơn, yếu hơn.
Với lịch sử hình thành Việt Nam tóm tắt như trên nên sau khi người Pháp đánh chiếm xong toàn bộ lãnh thổ Việt Nam cuối thế kỷ 19 đã chia Việt Nam thành 3 Kỳ thuộc Xứ Đông Dương để dễ bề kích động hận thù sắc tộc nhằm có lợi cho việc cai trị vùng lãnh thổ này.
Dấu ấn còn lại rõ nhất cho chủ trương chia để trị của người Pháp là vào thời đó tại thành phố Đà Nẵng (Pháp gọi là Tourane) - trung tâm miền Trung Việt Nam - mặc dầu là vùng đất của triều đình nhà Nguyễn quản lý nhưng Toàn quyền Đông Dương đã cho xây dựng một Bảo tàng có tên gọi MUSEE DE TOURANE để lưu giữ các cổ vật của Vương quốc Chămpa xưa đã tồn tại ở vùng đất này trong nhiều thế kỷ từ TK 2 đến TK 15.
Phòng trưng bầy Bảo tàng Tourane (Đà Nẵng) thập niên 20 Tk XX
Bìa sách của Pháp xuất bản 1922 giới thiệu cổ vật Chămpa của Bảo tàng Tourane - Đà Năng
Trang trong đầu tiên của cuốn sách
Năm 1922 Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội cùng với tác giả Victor Gloubew đã xuất bản cuốn sách giới thiệu một số cổ vật là các pho tượng đá có giá trị của người Chăm còn sót lại được tìm thấy ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận để trưng bầy tại MUSEE DE TOURANE. Cho đến nay Bảo tàng này vẫn được thành phố Đà Nẵng quản lý và mở cửa đón khách khá tốt trong nhiều năm qua.
Tôi may mắn có được cuốn sách cũ nói trên đã viết về cổ vật Chămpa và rồi có duyên qua bạn chơi cổ vật dòng họ cụ Cao Xuân Dục, Diễn Châu, Nghệ An và ông anh họ tôi là cố nhà báo ngành sử Đào Hùng, Phó Tổng biên tập Tạp chí XƯA NAY của Hội Khoa Hoc Lịch Sử Việt Nam nên tôi gặp được Giáo sư Khảo cổ học Cao Xuân Phổ - sau này là một trong những người anh quý mến của tôi. Dây cà ra dây muống qua hai anh tôi lại gặp được anh Kỳ Phương - một chuyên gia cổ vật Chămpa làm việc lâu năm tại Bảo tàng Đà Nẵng - nay đã sang Mỹ định cư - để học hỏi hiểu được về những nét đẹp, về cách nhận biết... các cổ vật Chămpa.
Tượng đá thần Ganesa, TK 7-8, Mỹ Sơn, Quảng Nam
Tượng đá thần Siva ngồi TK 9
Tượng đầu Makara, Quảng Ngãi, TK 7 - 8
Tôi nhớ năm 2012 tôi và anh em dòng Cao Xuân đã cùng tham dự Hội thảo khoa học về sự đóng góp trong lĩnh văn hóa của cụ Cao Xuân Dục với đất nước ta. Hội thảo do Chủ tịch Hội KH Lịch Sử VN đồng chủ trì với lãnh đạo thành phố Vinh tổ chức. Qua Hội thảo tôi mới biết cụ Cao Xuân Dục sinh năm 1843 mất năm 1923 xứng đáng là nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Về quan trường cụ kinh qua các chức vụ Tổng đốc, Thượng thư, Đông các đại học sỹ, Tổng tài quốc sử Quán của triều đình nhà Nguyễn. Với tư cách tứ trụ triều đình khi Trương Như Cương theo Pháp muốn làm Phó Vương, bắt các quan trong triều phải ký vào biểu dâng lên Vua, Cao Xuân Dục đã không nghe theo mà còn ghi vào biểu mấy câu: Trời không có hai mặt trời, Nước không có hai Vua. Thần Cao Xuân Dục không ký. Sau việc đó cụ bị giáng chức về làm Tri Phủ huyện Quốc Oai, nhưng thời gian sau triều đình lại phong cụ là Đông Các Đại Học Sỹ - tứ trụ triều đình - có quyền bàn bạc những vấn đề hệ trọng nhất của đất nước. Năm 1901 cụ là Chủ khảo Trường thi Quốc sử quán. Năm 1907 cụ là Thượng thư Bộ Học. Chính cụ là người đã xem xét quyết định trình nhà vua phê duyệt cho 3 thí sinh có lòng yêu nước cao thời đó được "đỗ vớt" chỉ vì họ là các thí sinh mà Triều đình không ưa, đó là Chí sỹ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Nguyễn Sinh Sắc. Sau đó với cương vị của mình cụ Cao Xuân Dục còn xin Vua xá tội cho Tri huyện Bình Khê, Bình Định Nguyễn Sinh Sắc không bị nọc đánh mà chỉ bị cách chức Tri huyện cho về làm dân thường vì cụ Nguyễn Sinh Sắc đã bị bọn địa chủ cường hào, chức sắc trong huyện viết đơn gửi triều đình vu cáo cụ hay xử tha tội cho người nghèo khổ đã bị chúng áp bức bóc lột và đối xử tàn bạo. Cao Xuân Dục còn có công tự mình lập một Thư viện lấy tên Long Cương Bảo tàng Thư viện có rất nhiều sách quý thời trước đang lưu giữ tản mạn trong dân, trong các phủ huyện. Chính học giả Đào Duy Anh đã đến thư viện này tìm sách để đọc, nhận sách tặng cũng như mua được nhiều sách quý của thư viện này.
Có một sự thực là sau Cách mạng tháng tám 1945 Ủy Ban khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế đã ra lệnh bắt giữ một số nhân vật trí thức có tiếng ở Cố đô Huế lúc bấy giờ với lý sợ bị Pháp sử dụng là các ông Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh, Ngô Đình Khôi, con trai ông và Nguyễn Tiến Lãng để đề phòng cho cách mạng. Biết tin đó Bộ trưởng Nội Vụ Võ Nguyên Giáp - những năm 1930 là đồng chí hoạt động với Tổng bí thư Tân Việt Cách mạng Đảng là Đào Duy Anh - và cụ Huỳnh Thúc Kháng - trước đây là Chủ bút Báo Tiếng Dân xứ Trung Kỳ mà Đào Duy Anh là Tổng biên tập - đã báo cáo Hồ Chủ Tịch để ra quyết định của TW từ Hà Nội gửi Xứ ủy Trung Kỳ do đích thân ông Hoàng Quốc Việt lúc này là Thường Vụ TW Đảng mang vào Huế để lệnh lãnh đạo Thừa Thiên - Huế phải cho người đưa ngay Đào Duy Anh ra Hà Nội vì đây là người thuộc thẩm quyền xử lý của TW. Nhờ vậy Đào Duy Anh đã được giải thoát và đích thân ông Tố Hữu và một thanh niên trẻ là đội viên Đội Thanh niên Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ (sau này là Thiếu tướng QĐNDVN) có trách nhiệm đưa Đào Duy Anh ra Hà Nội giao cho TW (xem Hồi ký Đường Về Quê Mẹ của nhà cách mạng lão thành Vũ Đình Huỳnh, Bí thư của Hồ Chủ Tịch trong nhiều năm).
Ra Hà Nội Đào Duy Anh được Võ Nguyên Giáp đến thăm và thông báo Hồ Chủ Tịch sẽ đến sau. Hồ Chủ Tịch chia sẻ tình hình đất nước đang rất khó khăn chưa ổn định ngay được nên việc oan sai ở các cấp không tránh khỏi. Sau đó Chủ Tịch ngỏ ý mời Đào Duy Anh tham gia công việc của Chính Phủ. Đào Duy Anh xin nhận được giao xây dựng một cơ quan nghiên cứu Lịch Sử của nhà nước Việt Nam mới và được Hồ Chủ Tịch chấp thuận. Sau đó ông quay về Huế để đón vợ con và chở toàn bộ kho sách quý trong Quan Hải Tùng Thư của ông ở Huế ra Hà Nội. Nhưng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, nên rất tiếc chỉ năm sau 1946 toàn quốc kháng chiến đã bùng nổ. Số sách chuyển từ Huế ra Hà Nội nay lại được cho chuyển về vùng tự do Thanh Hóa bằng tầu hỏa để ta sử dụng. Không may trên đường tầu đã bị máy bay Pháp ném bom cháy nhiều toa trong đó có toa chở sách và chỉ cứu được một số sách quý trong đó có sách của cụ Cao Xuân Dục đã lưu giữ tại Long Cương Bảo tàng Thư viện. Trước khi mất Đào Duy Anh đã tặng một số sách quý của ông cho nhà nước.
Các anh Đào Hùng, Cao Xuân Phổ và tôi là thế hệ con cháu của hai chi họ Cao và Đào ở Hà Nội đã tâm đắc khi bàn về trách nhiệm của người cầm bút để viết và viết cái gì để không tào lao vô bổ, không thẹn với thiên hạ. Đã là người cầm bút tức tự biết mình cũng có đôi chút kiến thức thì cần tránh xa việc cầm bút xu thời để kiếm lợi. Chúng tôi đều chán ngán khi biết hiện đã có một số vị cao niên, trung niên là dân khoa học xã hội có danh đàng hoàng nhưng lại thường xoăn ve tặng chữ cho những người vừa được thăng quan tiến chức. Thậm chí họ còn nhờ các nghệ nhân làm tranh gỗ khảm phong cảnh tích xưa và cho khắc lời hay ý đẹp để chúc tụng các vị quan mới ra lò nhằm tạo quan hệ kiếm lợi sau... Đây là nỗi buồn của những người cầm bút ngay thẳng. Nhưng thôi, hãy bỏ qua và MAKENO - tức mặc kệ nó!
Cố GS Cao Xuân Phổ (ngồi) và Cố Phó TBT Tạp chí Xưa Nay Đào Hùng
Quay lại chuyện cổ vật Chăm, các nhà nghiên cứu đã cho rằng trước khi văn hóa Ấn Độ được truyền bá vào dải đất miền Trung Việt Nam ngày nay sau công nguyên, ở đây đã có tín ngưỡng Vật Tổ (totem) như thị tộc Cau, thị tộc Dừa. Đến khi thầy tu Balamon người Ấn Độ có tên Kaundnya đến vùng đất này truyền giáo vào thế kỷ đầu công nguyên cũng là lúc hai thị tộc Cau - Dừa đã hợp lại để thành Nagara - Chămpa. Những thế kỷ tiếp sau các vua chúa và thần dân Chămpa đã tôn thờ thần Siva là vị thần của đạo Blamon là thần chủ của vùng đất này. Trong Blamon giáo có Tam linh vị - Ba ngôi (Trimunti) là Brahma - thần sinh tạo; Visnus - thần bảo tồn; Siva - thần hủy diệt luôn cùng tồn tại đã mang ý nghĩa luân hồi của con người. (Tức sinh tạo - tồn tại - hủy diệt) là một vòng luân hồi. Tương tự quá trình Sinh-Lão-Bệnh-Tử của Phật giáo. Trong ba vị thần trên thần Siva là bán nam bán nữ - tức có âm có dương - được cho là linh thiêng nhất. Âm, Dương hợp lại sẽ tạo ra lửa biểu trưng cho cội nguồn sự sống, tình ái, lạc thú của muôn loài. Có lẽ với quan niệm như vậy nên vua chúa, tăng lữ, qúy tộc và thần dân Chămpa đã tôn Siva là thần chủ của đất nước. Để tôn thờ thần Siva người Chăm đã tạo ra hai vật thể linh thiêng đó là Muklalinga (tức bao Kosa có mặt thần Siva) và Linga-yoni có kèm tượng Siva gắn trên Linga…Vương quốc Chămpa hình thành từ thế kỷ 2 và tồn tại đến TK 15 sau công nguyên với lãnh thổ kéo dài trên vùng đất từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay. Cổ vật Chăm để lại đến nay là những ngôi tháp gạch ở thánh địa Mỹ Sơn, Tháp Bà Nha Trang… và nhiều tác phẩm điêu khắc đá trưng bầy tại các Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đà Nẵng, Huế… Điêu khắc đá Chăm ấn tượng nhất là hình ảnh các vũ nữ. Tác phẩm thể hiện rất đẹp từ gương mặt, vũ điệu, trang phục, thể hình… Hiện nay ở Việt Nam văn hóa dân tộc Chăm là một bộ phận không thể thiếu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Mỗi khi có dịp đi nước ngoài công cán tôi thường tranh thủ đến xem một số Bảo tàng lớn ở Châu Âu để biết người biết ta. Tôi nhận ra nước ngoài rất quý các cổ vật Chămpa vì triều đại này không còn tồn tại nữa nên cổ vật của họ rất hiếm. Điều này cũng giống như so sánh các cổ vật gốm sứ thời Triều Nguyên thế kỷ 13 tồn tại chưa đầy thế kỷ nên rất hiếm có so với các cổ vật gốm sứ của các Triều Minh, Thanh, Trung Quốc sau này.
Tượng đá Chăm ở BTLSQG
Kosa bằng vàng, cổ vật Chăm tại Bảo tàng nghệ thuật Đông Á, Berlin, Đức.
Tượng thần Siva bằng đồng tại Bảo tàng nghệ thuật Đống Á, Berlin, Đức.
Nếu những ai quan tâm đến cổ vật Chăm chắc đều biết trên thị trường hiện nay các pho tượng bằng đồng, đá của Chămpa cổ thường có giá trị cao hơn tượng của Khơme vì tượng Chăm rất hiếm. Tôi được biết giới sưu tập cổ vật Việt Nam ít người sưu tập cổ vật Chămpa hơn các loại hình cổ vật khác. Phần vì khó kiếm, phần vì hay bị nhầm với đồ giả cổ Khơme, Indo vì văn hóa Chăm cũng mang dấu ấn đặc trưng của văn hóa Ấn Độ. Hiện các cổ vật Khơme, Indo làm giả được bán nhiều ở chợ trời và các của hiệu ở Bangkok Thái Lan để đáp ứng nhu cầu của khách trên thế giới.
Có thể khẳng định những ai sưu tập chơi cũng như vào nghề buôn bán đồ cổ đều phải tự trả giá, tự đóng học phí do thiếu hiểu biết. Khó tránh được. Vấn đề là chơi sẽ bị trả giá ít hay nhiều mà thôi. Ở Việt Nam ta chân lý này ngày càng rõ hơn, vì nghề này chẳng có nơi nào mở lớp dậy một cách bài bản cả. Tôi biết ở ta có vài Trường Văn Hóa, cơ quan Hải Quan…đã mời một số vị “Ha-vớt đường phố” đến giới thiệu và bổ túc kiến thức để tự nhận biết về cổ vật thật, giả… nhưng chắc chắn vốn thực tế và kiến thức của các vị đứng bục ấy là chưa đủ để người học có thể tự phân biệt được đâu là cổ vật thật và giả.
Vậy muốn có kiến thức và kinh nghiệm tốt khi chơi cổ vật thiết nghĩ có hai việc phải làm. Thứ nhất là cần được đến xem trực tiếp nhiều cổ vật thật có giá trị trưng bầy ở các Bảo tàng trong nước, quốc tế, hoặc được mời xem cổ vật thật có giá trị của các sưu tập tư nhân và của người buôn có nghề giỏi. Thứ hai là phải tự tìm sách đọc đểtự tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm. Giới chơi cổ vật thường nói vui: Nếu chơi cổ vật bằng tai thì sẽ không thành công mà còn bị trọng thương!
Bài viết này tôi tưởng nhớ hai ông anh Đào Hùng và Cao Xuân Phổ đã sang thế giới bên kia cách đây vài năm đồng thời xin giới thiệu một số cổ vật Chămpa đã được in trong cuốn sách của tác giả người Pháp xuất bản năm 1922 nhằm giới thiệu Bảo Tàng Chăm do họ xây dựng ở Đà Nẵng vào đầu thế kỷ 20 để bạn đọc tham khảo ./.
Tượng đá chim thần Skanda Quảng Nam
Tượng vũ nữ Chăm, bằng đá, Trà Kiệu, Quảng Nam, TK 7
Tháp Chăm ở miền Trung VN ngày nay