NGƯỜI TRUNG QUỐC “CHƠI ĐÁ” (NGỌC THẠCH) TỪ BAO GIỜ?
Lý Lược Tam
Tại Trung Quốc trước Công nguyên trên 2.000 năm, người Trung Quốc bắt đầu biết hân thưởng ngọc và đá. Sách Sử ký(Ngũ Đế bản kỷ) có ghi: “Thuấn dùng một cục Mặc ngọc (ngọc đen) chế thành Huyền (đen), Khuê ban cho Võ, Võ bèn quy định thêm Quái thạch (đá kỳ) là một hạng mục trong Cống phẩm của triều đình”. Thời Tây Châu, Châu công từng tôn trí một viên ngọc thạch trên giá, đem đặt tại Thần Đài”. Sách Châu lễ chép là: “Châu Công trí bích vu Tòa”. Cũng trong Sử ký (Lưu Hầu Thế Gia) ghi: “Khai Quốc Công Hầu Trương Lương triều Hán, được một cục đá Hoàng thạch tự nhiên, cung phụng trên giá để thưởng ngoạn”.
Cứ theo những tư liệu thành văn trên thì thú chơi đá khởi nguyên từ tục “sùng bái tế lễ” đến “ban thưởng” cho nhau, cung phụng cất giữ, nó trở thành một “trân ngoạn chốn cung đình”. Có thể nói, quan niệm “chơi đá” của người Trung Hoa có rất sớm, từ các loại “kính thạch” (kính lễ), (trong dân gian Việt Nam cũng có quan niệm thờ những cục đá gọi là Ông “Tà” trong các miếu nhỏ), đến “Ban thạch” (ban tứ), “Cung thạch” (vâng kính), “Bày thạch”, “Ngoạn thạch”. Nghĩa của ba danh từ này là khi được một cục đá tạo hình do tự nhiên phong hóa (“Thiên trác thạch”) đẹp, lạ đem “bày” trí trên một đài kỷ bằng gỗ quý, để lên án giá “cung” cho “ngoạn” thưởng, dẫn đến biết xếp đá làm giả sơn. Đó cũng là cách tưởng đúng với tinh thần chơi đá của chúng ta ngày nay?
Theo một thư tịch cổ đời nhà Hán, Lưu Hiếu Vương Lương Võ cho thiết trí một “Thố Viên”, đó có thể là người đầu tiên bày ra trò xếp đá (điệp thạch) làm núi (non bộ). Nhưng còn một ghi chép này không thể không chú ý là đời Đông Tấn có một nhà thơ “Điền viên” (vui thú ruộng vườn) tên Đào Uyên Minh, rất yêu thích một tảng đá đẹp đặt tên là “Tĩnh thạch”, để ký thác ý nguyện “phản phác quy chơn” (trở về chơn thật mộc mạc) của mình.
Các sách Khốn học kỷ văn, Cổ kim đồ thư tập thanh có viết: “Trong Cốc Nam Khang Phủ bộ có một hòn đá như chiếc sạp dài, ngang, dọc trên một trượng, tương truyền năm xưa Đào Uyên Minh mỗi khi uống rượu túy lý say đều ngồi, nằm trên thạch bàn này. Kề bên tảng đá ông có dựng một lều cỏ, thư đề Tĩnh Thạch Am, và thạch bàn khắc 2 chữ Tĩnh Thạch theo lối lệ thư. Chúng ta có thể thấy Đào Uyên Minh có phần rất đặc biệt đối với cục đá này. Phải chăng đây cũng là khởi nguyên trong phạm trù “quán thưởng thạch” (chơi đá)? Như chúng ta đều biết “quán thưởng thạch” nói rộng ra là chỉ cho cái giá trị ngắm nhìn, mân mê, trang trí, thâu tàng… Nó có thể làm cho cảm quan của người chơi sanh mỹ cảm.
Đến thời Nam Bắc triều, thú chơi đá tiêm nhiễm rất sâu đậm vào trong giới sĩ đại phu, thi nhân mặc khách, nên chúng ta không lạ gì thấy rất nhiều thi thơ ngậm vịnh đá, như 2 câu ngũ ngôn của Lượng Chu Siêu (Nam Triều): “Đối ảnh nghi song khuyết, Cô sinh nhược đoạn vân” (Tạm dịch: Đối bong dường cửa khuyết. Trơ bày tựa cuộn mây). Và 2 câu cũng ngũ ngôn của vị Tăng Định Pháp triều Trần (Trung Quốc): “Độc bạt quần phong ngoại. Cô tú bạch vân trung” (Tạm dịch: Trổi bật ngoài các ngọn. Đẹp nhất trong ngàn mây).
Do đó chúng ta có thể biết được vào thời này trong thú chơi đá, họ không chỉ xếp đá thành non thiết trí trong hoa viên sân nhà thôi mà còn hân thưởng cụ thể cái đẹp tự nhiên của bản thân từng cục đá sưu tầm được. Quan niệm hân thưởng từng cục đá đẹp tự nhiên này diên tập từ thời Ngũ Đế, Tây Châu… tương truyền mãi về sau đến các thời Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh cho tới ngày nay. Tại Trung Quốc chỉ mới giựt dậy phong trào “chơi đá” từ khoản thập kỷ 80 thế kỷ 20 trở lại đây.
Vào thời Tùy, Tùy Dương Đế tách ra Tây Uyển, hạ binh tịch thu hết các kỳ hoa quái thạch trong thiên hạ. Đến thời Đường, xã hội phong kiến tiến vào thời hưng thịnh, xã hội ổn định, kinh tế phồn vinh, nghệ thuật xán lạn, xúc tiến phát triển nghệ thuật chơi đá. Từ vua quan, sĩ đại phu, cổ thương (nhà buôn), tao nhơn mặc khách chí đến thứ dân đua nhau thu thập, thưởng ngoạn, trở thành thời thượng phổ biến trong dân gian. Có một danh từ “thạch hạ kiến lau” (dưới đá thấy lau) chỉ cho một hình thức “thưởng thạch”, đương thời. Đá trở nên một trân phẩm thưởng ngoạn. Người ta truy cầu cái thú sơn dã, cái đẹp của thiên nhiên, xuất hiện cái phong khí tranh nhau “tặng đá”, “tìm đá”, “giữ đá”, “vịnh đá”, “họa đá”…
Theo bài Thái Hồ ký của Bạch Cư Dị thời Đường, viết: “Nay thừa tướng Kỳ Chương Công thích đá, với vật này (đá) ông không chút khiêm nhường đem đặt nó nơi phòng phía đông của Nam thự để cung thưởng”. Chính Bạch Cư Dị cũng là một người rất yêu thích đá, sành chơi đá, từ sân vườn đến thư trai, ông bày trí rất nhiều “bồn thạch”, “cung thạch”. Ông có viết một thiên Thái Hồ thạch thi như vầy: “Yên thúy tam thu sắc. Ba đào vạn cổ ngân. Tước thành thanh ngọc phiến. Tài đoạn bích vân căn. Phong khí thông nham huyệt. Đài văn hộ động môn. Tam phong cụ thể tiểu. Ưng thị Hoa Sơn tôn” (Tạm dịch: Khói biết nhuộm màu thu. Dấu cổ hẳn sóng xao. Cắt ngọn rìa mấy biếc. Khéo tay mãnh ngọc trau. Gió lùa thông kẽ đá. Đường rêu vệt cửa hay. Ngọn Tam phong quả nhỏ. Đáng lá cháu Hoa Sơn).
Sang thời Tống, vua quan đua nhau thiết trí viên lâm, vườn cảnh, thu thập các kỳ phong quái thạch, vua Tống Huy Tông chiếu lệnh sưu cầu đá Thái Hồ (loại đá vùng Thái Hồ có lỗ hang rất đẹp, lạ), các phủ quan một mặt đốc suất chiêu mộ thợ lặn lặn xuống hồ sâu bẩy đục lấy đá, một mặt cưỡng đoạt các đá đẹp “gia bảo” trong dân gian, chở về kinh. Nhà vua cho dựng lên một hòn núi đá Thái Hồ tại Biện Kinh quy mô vĩ đại nhất trong lịch sử, đó có thể là một ảnh hưởng không nhỏ đến phong khí chơi đá trong dân chúng.
Các văn nhân mặc khách đua nhau bắt chước, tiêu biểu cho đám người này là Mễ Phí, tự Nam Cung, và Tổ Thức, hiệu Đông Pha. Họ lấy đá làm đề tài ngân vịnh, thư họa, các danh cú, danh họa của họ cứ lưu truyền đến ngày nay. Nhất là câu chuyện “Bái thạch vi huynh” về Mễ Phí, lúc ông giữ chức Nhậm Nội tại Nhu Tu, được một cục kỳ thạch, ông bèn áo mũ chỉnh tề bái lạy cục đá, còn gọi cục đá là “Thạch trượng” (ông anh đá). Ông có trứ tác một tác phẩm về nghệ thuật chơi đá là “Thạch tướng pháp”, đặt ra bốn yếu tố cho cục đá đẹp phải có là: Sấu (gầy cứng), Thuân (nếp nhăn), Thấu (lỗ hang trổ thủng), Lậu (lồi lõm, rò chảy như chất lỏng sôi). Kế đến Tô Đông Pha lại thêm vào một chữ Sửu (Xú là xấu) để điểm hóa cái phác tố phi phàm của cục đá - xấu mà hùng, xấu mà đẹp.
Trong thú chơi, người xưa đã thấu đáo được cái vi diện của cục đá, biết nắm vững trọng tâm của thú chơi đá. Thông thường chúng ta lúc tán dương cái hùng, cái đẹp của một sự vật nào đó cũng đều lấy cái đẹp làm tiêu chuẩn, rồi người chơi đá thấy được cái đẹp của cục đá để từ trong cái xấu mà có. Cái vi diệu của chữ Sửu (xưa có nghĩa là xấu) là đấy, chúng ta không thể không cho đó là điều đặc biệt vậy.
Đương thời còn có rất nhiều sách chuyên trứ về phẩm thưởng đá đẹp như: Vân lâm thạch phổ, Tuyên hòa thạch phổ, Ngư dương thạch phổ… Thời Tống còn một điển cố xin kể tiếp ra đây là chuyện về một cục đá đổi một căn nhà: Thời Tam Đường Lý Hậu chủ có trân tàng hai nghiên mực bằng đá là Bảo Tấn trai nghiễn sơn, cùng Hải Nhạc am nghiễn sơn và hai cục “Cung thạch” (đá để trưng bày ra chơi), trong đó Hải Nhạc am nghiễn sơn lưu lạc đến thời Tống vào tay nhà thư họa Mễ Phí. Về sau, Tô Trọng Dung đem một viện trạch (nhà) để đổi lấy nghiên mực đá này. Qua đó chúng ta thấy rõ xã hội thời Tống các phần tử trí thức yêu thích thú chơi đá đến bực nào.
Đến thời Minh, Thanh, thú chơi đá càng được giảng cứu thích chuộng hơn. Ngoài “Thanh Cung thạch” (cung thưởng độc một cục đá đẹp) nơi văn đường, trai thất, “Điệp thạch” (xếp đá giả sơn), “Bồn thạch” (đá trên chậu) ra, trong viên lâm còn có thêm lối chơi “Cô thưởng thạch” (tuyển lựa từng hòn đá to có dáng thế đẹp lạ, bố trí rải rác trong vườn, dưới gốc cây, bến lối đi, bờ suối, đầu cầu, bên lương đình, khóm trúc…). Lối chơi “Cô thưởng thạch” này dường như có không ít người chú ý đến.
Hai thời kỳ này các trứ trác về đá rất nhiều như: Tố Viên thạch phổ, Thập nhị thạch trai ký lược, Quán thạch tán, Quán thạch luận, Hậu quán thạch luận, Quái thạch lục, Vạn thạch trai thạch phổ…. Về văn học, trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh từng kể nhiều câu chuyện về đá như chuyện Thạch thanh hư, có nhân vật chính tên Hình Vân Phi rất yêu đá, cuối cùng phải tuẫn thân (bỏ mình) vì đá, thật là cảm động… Sinh thời tác giả bộ Liêu trai chí dị tánh cũng thích đá, ông từng có hai cục đá đẹp mạng danh Oa minh thạch (ếch kêu) và Tam tinh thạch” (ba sao), thường mân mê thưởng ngoạn. Hiện hai di vật này hãy còn trưng bày trong Bồ Tùng Linh kỷ niệm quán tại Trung Bác, tỉnh Sơn Đông, quê hương ông.
Ngày mới lại ngày mới, tiếp theo sự suy tàn của nhà Thanh, cuộc khởi nghĩa Võ Xương thành công do Tôn Dật Tiên lãnh đạo năm 1911 đặt tên nước là Trung Hoa Dân Quốc, rồi đến sau Thế chiến lần thứ 2, năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo giải phóng toàn đất nước đổi tên nước lại là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trải qua thời kỳ dài tao loạn (cách mạng văn hóa), trong vài chục năm trở lại đây, phong khí “chơi đá” sôi động lại, môn nghệ thuật ngoạn thưởng đá mà trước kia chỉ dành riêng cho giai tầng đạt quan quý nhơn hào phú, ngày nay đã đi dần vào nhà các tầng lớp tầm thường dân giã. Từ thành đô đến hương thôn, các hiệp hội kế tiếp nhau thành lập. Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh, Võ Hán, Nghi Xương, Lạc Dương, Ngô Châu, Liễu Châu… đều có các hội như: Thạch ngoạn nghiên cứu hội, Nhã thạch hiệp hội, Ái thạch hiệp hội, Kỳ thạch quán, Tàng thạch quán…
Chúng ta không thể quên được tại Đài Loan trước mắt đã có gần 70 thạch hội, chưa kể các “Thụ thạch hội” của bộ môn “Bồn cảnh”. Tại Đài Trung có Đài Trung thạch hữu hội, Bát phong thiền thạch hội, Đài Trung ái thạch hiệp hội… Người chơi đá trong toàn tỉnh Đài Trung có thể trên 10.000 người. Tại các trung tâm văn hóa địa phương cũng thường mở các cuộc triển lãm Phác thạch nhã thưởng (thú thanh tao, đá mộc mạc), đồng thời, báo chí tập san chuyên về đá ấn hành như nấm sau cơm mưa. Sách chuyên trứ xuất bản cũng không ít, như: Tắc Thiên thạch phổ, Thiền thạch, Bát phong thạch phổ, Lão nhân dữ ngoạn thạch, Thưởng thạch nghệ thuật, Cao Hùng chuyên tập…
Các danh gia tàng thạch trong dân chúng không ngừng xuất hiện, số lượng sưu tập và chất lượng phẩm chủng thật phong phú, tinh trí. Người yêu thích đến với môn chơi này ngày càng rộng lớn, mang đến cho xã hội Trung Quốc một khí tượng mới trong sinh hoạt nghệ thuật hóa, đối với tầng diện sinh hoạt tinh thần được nâng cao đáng kể. Có thể nói, môn nghệ thuật thạch ngoạn hiện nay của người Trung Quốc siêu vượt hẳn các thời kỳ xa xưa trước?