SƯU TẬP TRANH CỦA HỌA SĨ HỌC TRƯỜNG
CAO ĐẲNG MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG (1925- 1946)
Đào Phan Long
Tại sao tranh của các tác giả học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương xưa lại được quý trọng và có giá trị cao? Thiết nghĩ có mấy nhẽ:
Thứ nhất, thời những năm đất nước ta chưa thực hiện “Đổi mới tư duy” vào cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ 20, ở Hà Nội các Họa sĩ nói chung và những họa sĩ lớp trước tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1945) cùng đa phần người dân sống rất túng thiếu về vật chất, nhưng các tác phẩm hội họa của họ sáng tác trong các giai đoạn lịch sử của đất nước lại rất giá trị cho đời sau, vì tranh của họ đã ghi lại dấu ấn văn hóa một thời hào hùng của dân tộc, đất nước.
Thứ hai, có một điều rất đáng nói, đó là: Chính nhiều họa sĩ “Mỹ thuật Đông Dương” do người Pháp đào tạo lại không theo Pháp chống lại nhân dân mà đi theo cách mạng, theo nhân dân chống thực dân Pháp rồi xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai để góp phần dành độc lập và thống nhất đất nước như ngày nay.
Thứ ba, nhớ lại từ sau Cách mạng tháng tám 1945, bước vào thời kỳ toàn quốc kháng chiến 1946, tiếp đến 9 năm kháng chiến chống Pháp, rồi hòa bình lập lại 1954 và suốt 20 năm xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chiến đấu chống Mỹ thống nhất đất nước, cho đến chống bành trướng, chiến tranh biên giới…, đa phần các họa sĩ đều làm việc trong biên chế nhà nước và là họa sĩ “kháng chiến”. Sáng tác tranh của các họa sĩ Đông Dương có danh thời này phần lớn theo trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa để phục vụ chủ trương Văn nghệ của Đảng, phản ánh chân thực cuộng sống lao động, chiến đấu, xây dựng miền Bắc có sức mạnh chống ngoại xâm. Những bức tranh của họ vẽ đều được bố cục từ trực giác, đâu có phương tiện ghi lại như ngày nay, cho nên rất có hồn. Nếu sáng tác bị phê phán là chệch chủ trương ca ngợi “cách mạng, công nông, cuộc chiến đấu chính nghĩa...” là tác giả bị phê phán, tác phẩm không được xét trao giải thưởng, Bảo tàng mỹ thuật mua, không được giới thiệu với công chúng… mà thậm chí còn bị phê phán rồi bị “treo cọ” ngồi chơi xơi nước. Cuộc sống của họa sĩ thời đó thường sau khi vẽ tranh ra để dự thi, để phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ phong trào hoàn thành… thì các họa sĩ sáng tác tranh theo suy nghĩ, chủ đề của mình chỉ cốt đổi lấy cà phê, ăn sáng, tặng người thân… như chúng ta đã biết. Và chính trong bối cảnh lịch sử ấy đã có một số ít họa sỹ tài danh lớp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bị liệt vào “có tư tưởng Nhân văn Giai phẩm hoặc Xét lại” cùng với một số nhà văn, nhà thơ, nhà báo..., họ đã bị phê phán, có một số bị bắt giam nên cuộc sống bản thân, gia đình họ rất cực khổ.
Có lẽ với những ý nêu trên mà càng ngày tranh sáng tác của lớp họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương càng qúy hiếm và khó sưu tập.
Nhưng để sưu tập được tranh chính chủ của lớp hoa sĩ này không phải là chuyện đơn giản. Trước hết người sưu tập phải hiểu họ được đào tạo vào giai đoạn nào? và mua tranh từ nguồn nào?, vì trên thực tế đã có quá nhiều tranh chép của các họa sĩ này tồn tại trên thị trường, cho nên tầm mua được tranh gốc còn khó hơn mua đồ cổ đích thực.
Do quan hệ khá rộng nên tôi đã được mời đến chơi một số gia đình trong Nam, ngoài Bắc xem đồ cổ, thấy họ treo tranh sơn mài, sơn dầu, bột mầu… trong khung rất đẹp, tác giả đều nổi danh, nói giá mua tranh rất cao, nhưng thầm nghĩ khó là tranh thật, vì tôi cũng biết ít nhiều về tranh của họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương và cuộc đời, gia đình một số tác giả nên nhận biết điều này. Thường những người này đều mới giầu có lên nhờ thời thế, song hiểu biết văn hóa, nghệ thuật của họ chẳng vào đâu, trong làm ăn thì chỉ tính thu lợi nhiều bằng mọi cách và lại chẳng chịu tự học, kết giao với người tử tế, am hiểu về tranh, về hội họa thì làm sao có tranh Đông Dương thật được!
Là lớp người tuổi con, cháu của các họa sĩ Mỹ thuật Đông Dương, nhưng nay chúng tôi cũng đã trên dưới thất tuần, nên biết Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã đào tạo được 18 Khóa, gồm 118 người.
Khóa I (1925 - 1930) tuyển đào tạo ngành hội họa chỉ có 8 người, trong đó có họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Công Văn Chung, Lê Văn Đệ, Georges Khánh và Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh - chưa tốt nghiệp, sau lại học tiếp). Ngành Kiến trúc có 02 người. Tiếp đến Khóa II (1926 - 1931) có những họa sĩ nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Hồ Văn lái…, kiến trúc có Vũ Cao Đàm. Các khóa học tiếp, Khóa IV (1928 - 1933) có Họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân… (Nguyễn Gia Trì đã tốt nghiệp, nhưng sau đó lại đi học tiếp Khóa IV); Khóa V (1929 -1934) Nguyễn Đỗ Cung, Phạm Hậu; Khóa VII (1931 -1936) có Trần Văn Cẩn; Khóa VIII (1932 - 1937) có Lương Xuân Nhị; Khóa IX (1933 - 1938) có Nguyễn Đức Nùng, Trịnh Hữu Ngọc, Nguyễn Dung, Hoàng Lập Ngôn; Khóa XI (1936 - 1941) có Nguyễn Tiến Chung, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Văn Tỵ; Khóa XII (1937 - 1942) có Nguyễn Văn Bình; Khóa XIII (1939 -1944) có Nguyễn Sỹ Ngọc, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Trọng Hợp, Huỳnh Văn Thuận; Khóa XIV (1940 - 1945) có Nguyễn Sáng; Khóa XV (1941 -1954) có Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Tạ Thúc Bình, Huỳnh Văn Gấm; Khóa XVI (1942 - 1945) có Quang Phòng, Phan Thông, Đinh Minh, Trần Phúc Duyên; Khóa XVII (1943 - 1945) có Mai văn Hiến, Mai Văn Nam, Lê Thanh Đức; Khóa XVIII (1944 - 1945) là khóa học cuối cùng có các họa sỹ Phan Kế An, Dương Bích Liên, Nguyễn Văn Thiện, Kim Đồng, Nguyễn Như Huân.
Biết được quá trình đào tạo của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương theo thời gian cũng là kiến thức khá cụ thể để quyết định “rơi tiền” mua sưu tập tranh mỹ thuật Đông Dương.
Lần này, tôi giới thiệu 2 hội viên Hội Cổ vật Thăng Long mà tôi đã quan hệ từ trên dưới hai chục năm qua ở Hà Nội. Họ có thú chơi đồ cổ đã lâu, nhưng lại có thêm thú sưu tập tranh mỹ thuật Đông Dương, đó là Nguyễn Minh ở 23 A Phan Đình Phùng và Phạm Văn Thông ở Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội. Trong Hội chúng tôi cũng còn có vài người nữa có sưu tập tranh của họa sĩ Việt Nam đương đại, nhưng không có nhiều tranh “chính chủ” như hai anh bạn này...
Sưu tập Nguyễn Minh:
Mobile: 0905 688 868
Nguyễn Minh và con gái của cố hoạ sĩ Phạm Văn Đôn với bức tranh "Góc phố Hàng Mắm" Hà Nội.
"Đi chợ vùng cao", Sơn mài. 1967. Họa sĩ Nguyễn Đức Nùng. MTĐD khóa IX (sưu tập Nguyễn Minh)
Sưu tập Phạm Văn Thông
Mobile: 01675 805 555
Phạm Văn Thông và vợ chồng con trai của cố họa sĩ Hoàng Tích Chù với bức tranh phong cảnh "Phố Thắng" Hà Bắc
"Trưa hè tắm suối", Sơn dầu. 1993. Họa sĩ Nguyễn Văn Thiện. MTĐD khóa XVIII (Sưu tập Phạm Văn Thông)
Mời Quý bạn đọc chi tiết bài viết và xem đầy đủ bộ tranh của hai Nhà sưu tập trên Tạp chí Cổ vật Tinh hoa số 43 - Tháng 1.2013