TRUYỆN LÀNG ĐỒ CỔ HÀ THÀNH

                                           Lý Đức Gia

 

Giờ đây khi Tết đến thường đường phố Hà Nội rất vắng vẻ như thời những năm trước 1990 vì nhiều gia đình đã đưa nhau về quê hoặc đi du lịch. Những cư dân sống ở Hà Nội lâu năm thường thích thú thấy cảnh thành phố vắng vẻ từ chiều 30 đến hết ngày mùng hai âm lịch và ước ao không biết khi nào Hà Nội mới lại thanh bình như xưa? Chính vì đường phố vắng người nên dễ dàng phi xe máy, lái ô tô đi lại đến các nhà người thân, bạn bè để chúc Tết nhau và kháo cho nhau nghe những mẩu chuyện đời vui vẻ. Dân chơi cổ vật hiện sống ở đất Hà Thành - tức ở trong các đường phố của Hà Nội chưa mở rộng - cũng thường như vậy.

Trong cuộc đời mà kết bạn được với càng nhiều bạn sẽ càng vui và hạnh phúc. Không dễ mà ai cũng có được như vậy nhé.

Dân Làng đồ cổ thường tụ tập theo từng nhóm tùy thuộc địa lý và sở thích sưu tập để đàm đạo tán gẫu và chia sẻ thông tin. Trước Tết cổ truyền này tôi được nghe bạn chơi trong Làng đồ kể hai mẩu chuyện khá thú vị trong một cuộc nhậu. Xin ghi lại để hầu chuyện bạn đọc cho vui khi đón năm mới Bính Thân con Khỉ.                                                                         

1-    “BÍ HÝ ĐỒ” TRÊN GỐM SỨ CỔ

          Ở Việt Nam ta kể từ thời phong kiến quân chủ trước 1945, sau là thời chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều rất kiêng kỵ công khai nói, bàn luận, nghiên cứu một cách khoa học nghiêm cẩn và giới thiệu về tình dục của con người cho cộng đồng vì cho rằng đó là những chuyện không nên quảng bá công khai. Mãi những năm gần đây nhờ lãnh đạo nhà nước thực hiện “đổi mới tư duy” và “mở cửa với thế giới” để tồn tại và phát triển đất nước nên mới có thêm những “đề tài nghiên cứu, xuất bản ấn phẩm”… để bàn và hướng dẫn cho mọi người về tình dục sao cho đúng nhằm duy trì sức khỏe, nòi giống và tránh dẫn đến vi phạm pháp luật như nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới đã cho làm từ lâu. Thà muộn màng hơn so với thiên hạ, nhưng muộn còn hơn không như thời trước, do vậy hiện nay các phương tiện truyền thông từ tivi đến báo đài nước nhà đã dành thời lượng bàn và hướng dẫn về tình dục nhằm bảo đảm sức khỏe và duy trì giống nòi tốt nhất. Từ chỗ kiêng kỵ bàn thảo về tình dục - mặc dầu con người khi đã trưởng thành đều biết tình dục là một nhu cầu sinh lý vốn tạo hóa đã ban cho mọi sinh vật sống trên trái đất để duy trì nòi giống chứ không chỉ cho riêng cho con người - nay thì từ cấp lãnh đạo cho đến người dân đã dần dần nhận biết được sự quan trọng của tình dục.

          Trên Tạp chí Cổ vật Tinh hoa trước đây đã có hai lần giới thiệu bài viết “Tình dục trên đồ gốm Việt cổ” của TS Phạm Quốc Quân, cựu Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và bài viết “Tình dục và tuổi thọ” của cố Nhà báo Đào Hùng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay để bạn đọc tham khảo. Theo dịch từ tiếng Trung Quốc, những cổ vật có vẽ các cảnh làm tình của con người trên gốm sứ xưa gọi là “Bí hý đồ”. Với hai bài viết trên đăng tải tôi đã nhận được phản hồi tích cực của nhiều bạn đọc, tất nhiên giới cổ vật thì rất thích thú, tâm đắc và nhao đi tìm các cổ vật “Bí hý đồ” của người xưa để chơi, nhưng rất khó khăn vì quá hiếm còn giữ được đến hôm nay ở Việt Nam, do một thời dài nhà nước cho rằng ai mà có nó là bị tội “oa trữ hiện vật nhằm tuyên truyền dâm ô trụy lạc” cho đi tù như chơi!

          Nhiều người đã biết Trung Quốc là một đế chế phong kiến quân chủ nho giáo lâu đời, nhưng hiện Trung Quốc lại có một Bảo tàng tư nhân nổi tiếng chuyên lưu giữ và trưng bầy nhiều cổ vật gốm sứ “Bí hý đồ” Trung Hoa ở tỉnh Giang Tô, nơi có thành phố Nam Kinh cổ kính, khu mộ “Thập tam Lăng” 13 Vua thời nhà Minh. Bảo tàng này luôn đông khách du lịch trong, ngoài nước đến xem và mọi người từ quan đến dân đều ghi nhận đây là một địa chỉ văn hóa hữu ích không chỉ cho Trung Quốc mà còn cho người Á đông cũng như nhân loại.

          Nhưng đừng vì tìm chơi “Bí hý đồ” mà lại mua tràn lan những món đồ làm giả cổ, làm mới hiện không thiếu ở Trung Quốc, Nhật bản và một số nước Á đông khi chúng ta đi du lịch. Mua về nhiều “Bí Hý đồ” mới thì lại mất hay vi đã vô tình đi quảng bá sản phẩm hàng hóa cho nước ngoài. Còn việc đi tầm mua “Bí hý đồ” có tuổi là cổ vật thật sự thì lại nên làm để lưu giữ cho đời sau.

         

 

2-    NHỚ LẠI MỘT THỜI

          Tôi may mắn có khá đông người quen biết do ham thích học hỏi, đi đây đó để nghe, để biết, để hiểu đời hơn, nhằm giúp mình sống có ích hơn cho bản thân, gia đình. Vì vậy tôi cũng thích tụ bạ đàm tiếu khi dự các buổi bia bọt ngoài quán xá hoặc làm tí “chất cay” với các bạn khi thì ở nhà mình hoặc ở nhà người.

          Một hôm có anh bạn nhà thơ đồng lứa hơi có tiếng thời nay mời tôi đến nhậu cùng với một số anh em bạn bè của cả anh ấy và cả tôi với lý do: Nhà thơ mới được trao Giải thưởng Thơ của nhà nước, tất nhiên có kèm theo ít tiền để chi dùng. Rõ ràng Người nhận được Giải thưởng Nhà nước về thơ, văn, hội họa, âm nhạc, nghệ thuật, khoa học công nghệ… tất nhiên phải là người có những tác phẩm, công trình nghiên cứu đã được đưa vào sử dụng có ích cho đất nước và được Hội đồng thẩm định kỹ lưỡng cả về giá trị và đạo đức chứ không hề đơn giản. Anh bạn nhà thơ của tôi cũng vậy.

          Cuộc nhậu chúc mừng bạn được Giải thưởng đã diễn ra tưng bừng vì vốtska Nga xách tay ai đó tặng nhà thơ được mở liên tục, lời chúc mừng chủ nhân nổ ran, những câu thơ hay của chính tác giả được Giải thưởng đã được đọc lên cho mọi người dự vui thưởng thức theo yêu cầu của một số bạn nhà thơ. Tất nhiên những người thích thơ phú thường cũng thích uống rượu… Giữa cuộc vui có một vị cầm ly rượu trên tay lên tiếng:

-  Ông ơi, thơ ông được Giải là đúng rồi. Bao nhiêu bài hay của ông đã được in thành mấy tập thơ mà tôi đã được tặng rồi. Nhưng riêng tôi chỉ thấy hay nhất và thích nhất có độc một bài của ông thôi. 

Mọi người nhao nhao lên: sao lại vậy? nhiều bài hay chứ?... cái ông này!...

-  Vậy ông thích bài gì nào để tôi đọc cho mọi người cùng nghe. Nhà thơ tươi cười vui vẻ không hề biến sắc.

-  Thế thì hay quá. Ông đọc cho nghe lại bài thơ GỬI CHÀNG THI SĨ XE ÔM đi.

- Lão này gớm nhỉ, để tôi đọc. Trước khi đọc hầu mọi người nghe tôi xin kể lý do ra đời bài thơ này nhứ. Chuyện là thế này, trong lần đi công cán ở Tây Nguyên, tôi gặp một anh bạn làm nghề xe ôm hay chở mình đi thăm thú đó đây rất thích làm thơ. Biết mình là nhà thơ thế là anh đọc cho tôi nghe một số bài do anh làm từ thời còn đi bộ đội giải phóng đến nay và để tôi góp ý cho vui. Khi về Vũng Tầu nhớ người bạn mới, một đồng đội với mình một thuở lại thích làm thơ tự sướng nên tôi đồng cảm với những suy nghĩ của anh bạn ấy rồi làm bài thơ này. Bài thơ đã được chọn in trong tuyển tập thơ của mình. Xin đọc nhé.

 

                   Gửi chàng thi sỹ xe ôm

 

*Tặng T.V.S - Kon Tum - Vũng Tầu, cuối thu 2005

Đi nhiều nhất chính là anh

Mà sao vẫn thấy quẩn quanh quá chừng

Khi đi cũng thể khi dừng

Là theo cái đích người dưng thuê mình

 

Khi thì ôm, khi thì thồ

Lại khi nổi hứng với thơ bụi đường

Xe thì ôm những đoạn trường

Thơ thì ôm nỗi tự thương lấy mình.

 

Khi thì ôm, khi thì thồ

Thồ, ôm chi cũng hững hờ như nhau

Khi thì chậm. Khi thì mau

Chậm, mau thì cũng như nhau thôi mà!

 

Một chút men gửi la đà

Một chút thơ để mặn mà gió sương

Gắng mà ôm lấy yêu thương

Gắng mà tránh mọi tai ương dặm dài.

 

Dặm dài mình, dặm dài ai ?

Dặm dài chi cũng chẳng ngoài dặm xa

Thồ người là để thồ… ta

Người ôm mà lại hóa ra ôm… người!

 

Tạ Văn, Tạ Sỹ, tạ… trời

Cho thành đa tạ, cho người nhớ nhau

“Ai đi đó, Ai về đâu”

Sá chi đôi “cuốc”: bể dâu, phong trần.

 

          Nghe xong mọi người vỗ tay tán thưởng, tất nhiên sau đó là chạm cốc lia lịa. May mà cái lão nhà thơ bạn tôi tửu lượng cao có tiếng vì lão đã được rèn liên tục ngày này qua ngày khác để có hồn mà làm ra thơ hay cho đời nên vẫn còn tỉnh táo.

-  Hay. Đúng bài thơ này hay và đầy tâm trạng. Ông bác kia thích là phải. Nhưng nếu vào thời trước, thời nước ta còn tuyên giáo kiểu « Mao ít, Mao nhiều » thì khi kiểm duyệt họ sẽ mổ xẻ bài này và quy chụp cho tác giả khốn khổ đấy !

-  Ơ hay. Ông anh giải thích đi. Lớp trẻ tụi em sinh sau thời « Mao ít, Mao nhiều » nên không hiểu nổi ý ông anh vừa nói. Một tay làm báo trẻ ngạc nhiên lên tiếng.

- Thế này nhé, mình mạn phép đưa ra những ý kiến suy diễn như sau về lời và ý của bài này nhé:

«  Mặc dầu lời thơ tả và ý thơ hay của tác giả chỉ cốt tặng một anh xe ôm thích làm thơ nhưng tôi lại thấy nội dung bài thơ buồn. Tại sao tác giả lại viết về một thân phận buồn như vậy được trong lúc này? Với một chiến sỹ quân giải phóng đã từng tham gia « Vạn lý trường chinh, rồi xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước oai hùng một thuở như vậy (Đi nhiều nhất chính là anh) nay lại (mà sao vẫn thấy quẩn quanh quá chừng) nghĩ như vậy là không đúng rồi. Đất nước, con người Việt Nam đang tiến nhanh, tiến mạnh sao lại quẩn quanh quá chừng được à?, cầm bút mà viết vậy là không ổn rồi.

Còn tứ thơ :

“Khi thì ôm, khi thì thồ

Lại khi nổi hứng với thơ bụi đường

Xe thì ôm những đoạn trường

Thơ thì ôm nỗi tự thương lấy mình

 

Khi thì ôm, khi thì thồ

Thồ, ôm chi cũng hững hờ như nhau

Khi thì chậm. Khi thì mau

Chậm, mau thì cũng như nhau thôi mà!”

          Tại sao lại tự thương lấy mình?

          Tại sao lại “Chậm, mau thì cũng như nhau thôi mà!”  Ý này ám chỉ điều gì? Không ổn.

          Dứt lời trên cả đám cùng tác giả bài thơ đều cười vang.

Một vị nói: Giỏi, giỏi thật. Diễn lại cảnh soi ý tứ văn nghệ sỹ ở ta thời còn “Mao ít, Mao nhiều” trước đây giỏi quá. Chỉ có tuổi anh em già lớp mình mới thấy được cái nguy cho người cầm bút trong thời “Mao ít, Mao nhiều” . Bài thơ này của ông giờ nằm ở những tập thơ được nhận Giải thưởng nhà nước là vui quá đi chứ. Thời “Mao ít Mao nhiều” trước đây chỉ vì những suy nghĩ dốt nát suy diễn và phán xét kiểu này đã ngự trị văn đàn nước ta trong một thời gian dài nên đã làm khổ không ít cuộc đời sáng tác của các anh chị, các bác văn nghệ sỹ lớp kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Giờ đây sáng tác văn học nghệ thuật, báo chí đã khác trước nhiều rồi. Nói vui thế thôi chứ bài này của ông hay thật đấy. Chúc mừng. Đúng là lớp trẻ ngày nay không hình dung ra nổi. Thôi. Tán vui thế đủ rồi. Chúng ta hãy nâng ly chúc bạn mình đã được nhận Giải thưởng Thơ của Nhà nước...

Dân chơi cổ vật đất Hà Thành có những nhóm thường gặp nhau nói những chuyện vui, chuyện phiếm như vậy đó./.